HÀ GIANG MÙA HOA ĐÀO KHOE SẮC

  • By Miễu Miễu
  • 26 Dec, 2017

Mỗi độ xuân về, cao nguyên đá Hà Giang lại cuốn hút bội phần bởi rừng hoa đào khoe sắc thắm. Vẻ đẹp kiêu hãnh, sắc hồng đằm thắm ấy như thắp sáng cả không gian, thổi sức sống vào những phiến đá tai mèo xám ngắt. Những đóa hàm tiếu khiến bao trái tim lữ hành mãi luyến lưu, không muốn rời xa, dù chỉ một phút giây.

ĐỘC ĐÁO PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN
Thị trấn Đồng Văn nằm trên cao nguyên đá ở độ cao trung bình từ 1.000 - 1.600m so với mặt nước biển, cách TP.Hà Giang 160km, lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Không giống như phố cổ Hà Nội hay Hội An, sương và gió nơi địa đầu Tổ quốc đã tạo nên sự khác biệt không thể sao chép của phố cổ Đồng Văn - Hà Giang.
Chiếm đa số trong khu phố cổ là những ngôi nhà trình tường bằng đất với mái lợp ngói âm dương, nền và bậc cửa lát đá xanh. Cửa ra vào và trần nhà được làm bằng gỗ tấm, trước cửa nhà có treo nhiều câu đối viết trên giấy đỏ. Các ngôi nhà ở khu phố cổ Đồng Văn thường có kiến trúc theo kiểu chữ “tam” với ba ngôi nhà nối tiếp nhau, lối đi giữa các nhà có mái che, tránh mưa nắng. Cả phố đều quay về hướng Nam nên mùa đông ấm áp còn mùa hè thì lại rất mát mẻ. Bên cạnh sự phát triển của kiến trúc hiện đại đang thay đổi từng ngày, những bức tường đất, những ngôi nhà lợp mái ngói âm dương… như đang thách thức với thời gian. Đặc trưng nữa dễ nhận thấy ở đây là trước cửa nhà có đèn lồng treo cao, thắp sáng khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của cao nguyên đá
Bức tranh về khu phố cổ được thể hiện trên nhiều gam màu, thay đổi theo từng cung bậc thời gian trong một ngày. Buổi sáng, bức tranh độc đáo ấy được pha trộn tài tình bởi hai tông màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Không gian im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt và những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào H’Mông, Tày, Nùng… Khi trời đất ngả chiều, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng cao nguyên đá. Đêm đến, trong ánh sáng lờ mờ từ những chiếc đèn dầu, đâu đó lại phát ra âm thanh quen thuộc của tiếng kèn môi từ các chàng trai H’Mông gọi bạn tình. Vào những đêm cuối tuần, không gian trong các quán nhỏ lại rộn ràng hơn với bài hát dân ca, điệu múa giao duyên của những chàng trai, cô gái từ các bản tập trung về đây.

MÙA HOA ĐÀO TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ
Cứ vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 hằng năm, hoa đào Hà Giang bắt đầu bung tỏa khắp nơi nơi. Khi nở trên sườn núi, khi nở trong vườn nhà, khi nở bên hàng rào đá, ngay cạnh lối đi… đâu đâu cũng thấy những cây hoa nở hồng rực một vùng. Đến Hà Giang mùa hoa đào nở, bạn có thể thỏa thích ngắm hoa ở bất cứ nơi nào, nhưng hoa đào đẹp lồng ghép vào cảnh thiên nhiên đẹp nhất thì phải nhắc đến cung đường Đồng Văn - Mèo Vạc.
Mùa hoa đào nơi đây khiến không ít người ngỡ ngàng và thổn thức. Hoa đào Hà Giang là đào phai năm cánh, màu không đỏ thắm mà chỉ phớt hồng. Sắc hồng làm ấm sườn núi đá tai mèo giá lạnh sau mùa đông dài. Sắc hồng hòa cùng nắng vàng, trời biếc, nếp nhà màu trầm đơn sơ khiến người người cứ rủ nhau lên cao nguyên đá “săn” hoa. Kỳ diệu hơn khi trời càng lạnh, hoa lại càng tươi, càng đẹp hơn nữa. Trước cửa nhà dân, cổng trường học, những cành đào uốn cong, buông rủ sắc hồng. Vẻ đẹp kiêu hãnh, màu sắc mộng mơ của hoa đào hòa cùng ánh màu sặc sỡ trong bộ trang phục của người dân tạo lên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân đa sắc và tươi sáng.
Hà Giang - nơi dẫu đến bao lần, thì mỗi lần trở lại đều vẫn sẽ thấy lạ, lạ vì đẹp. Cái đẹp hoang dại từ con người đến cảnh vật; cái đẹp mà khi trải nghiệm rồi, ta sẽ thấy chút gì đó quyến luyến, mãi không thể quên…

By Miễu Miễu December 26, 2017
Tạm xa những ồn ào, náo nhiệt, chuyến đi biển Hải Hòa - Thanh Hóa sẽ cho bạn những giờ phút thư thái ngắm vẻ đẹp của một bãi biển hoang sơ còn sót lại ở Miền Bắc
By Miễu Miễu December 26, 2017

Đón Tết trên miền di sản, nơi đầu tiên bạn phải ghé thăm là cô đô Huế. Đến Huế ngày xuân, bạn sẽ mê đắm bởi làn sương mù buổi sớm giăng giăng khắp lối. Ban trưa, nắng xuân vàng óng rải đều trên từng nhành cây ngọn cỏ, thành nội cổ kính. Từ 23 tháng Chạp, không khí Tết đã bắt đầu rộn ràng bởi rừng hoa xuân tràn ngập bờ bắc sông Hương, công viên Nghinh Lương Đình, công viên Kỳ Đài…
Trong những ngôi nhà vườn, chậu mai vàng, cúc vàng rực rỡ đã chào xuân. Bàn thờ tổ tiên đã sạch sẽ, trang nghiêm, ngát hương trầm để đón giao thừa, đón khách đến thăm nhà. Từ công viên cho đến các tuyến phố, ngõ hẻm đều lộng lẫy sắc hoa khiến không gian Huế đẹp lạ kỳ. Mùa xuân xứ Huế đẹp dịu dàng và ý nghĩa biết bao khi bạn được chiêm ngưỡng những tinh hoa kiến trúc của cung đình xưa, cầu nguyện trong tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, thả hồn phiêu lãng trên dòng Hương Giang.

Đón Tết trên miền di sản, với người Hội An đó là lúc hoa kiểng tại các nhà vườn Cẩm Thanh, Cẩm Châu khoe sắc. Mãn đình hồng, cúc đại đóa, lan hồ điệp, cẩm chướng, thu hải đường xen lẫn mai vàng, quất chín mọng điểm tô cho không khí Tết thêm rộn ràng. Thời khắc giao mùa, tất cả đình chùa, nhà thờ đồng loạt gióng chuông, mừng năm mới như lời chúc an lành, hạnh phúc đến mọi nhà.
Không gian Hoài phố bỗng hóa thành cổ tích với những chiếc đèn lồng nhiều màu thắp sáng cả dãy phố hàng trăm tuổi. Người người náo nức tham gia hội Tết với nhiều chương trình hấp dẫn: biểu diễn nghệ thuật, thi gói bánh tét, tham gia các trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn ngày Tết đặc trưng của Hội An… Đón Tết trên miền di sản, giữa ánh sáng muôn màu và hương trầm lan tỏa, tâm hồn lữ khách nhẹ nhàng và thanh thản hơn để đón chào năm mới.

Bên cạnh đó, lữ khách còn được khám phá một Đà Nẵng hiện đại, lung linh với nhiều công trình hiện đại, chiêm ngưỡng cung điện thạch nhũ tráng lệ tại động Thiên Đường, Phong Nha (Quảng Bình)… sẽ góp thêm hương xuân nồng nàn trên hành trình đón Tết trên miền di sản.

Xem nội dung đầy đủ tại: https://travel.com.vn/tin-tuc-du-lich/don-tet-tren-mien-di-san-v12115.aspx
Nguồn: travel.com.vn